Giai đoạn đầu (1912-1916) Lịch_sử_Trung_Hoa_Dân_Quốc

Thành lập nhà nước

Bài chi tiết: Cách mạng Tân Hợi
Ba loại cờ khác nhau ban đầu được sử dụng trong cuộc cách mạng. Khẩu hiệu bên dưới viết "Cộng hòa vạn tuế!" cùng năm chủng tộc đại diện bởi lá cờ năm màu của nước Cộng hoà.

Những năm cuối của triều đình nhà Thanh ghi dấu bởi sự bất ổn trong nước và những cuộc xâm lược của nước ngoài. Nhiều cuộc khởi nghĩa trong nước làm thiệt hại mạng hàng triệu người và những cuộc xung đột với các cường quốc bên ngoài luôn kết thúc bởi những hiệp ước bất bình đẳng gây phương hại cho Trung Quốc và buộc nước này phải chi trả những khoản tiền bồi thường to lớn cũng như cắt bớt đất đai. Hơn nữa, một quan điểm nảy sinh trong dân chúng cho rằng quyền lực chính trị cần phải được nhóm thiểu số Mãn Châu trả về cho nhóm đa số Hán. Đối mặt với những bất ổn dân sự và sự bất mãn của dân chúng, triều đình nhà Thanh đã gắng sức cải cách chính phủ theo nhiều cách, như quyết định đưa ra một hiến pháp năm 1906, thành lập các cơ quan lập pháp cấp tỉnh năm 1909, và chuẩn bị cho việc ra đời một nghị viện quốc gia năm 1910. Tuy nhiên, nhiều biện pháp đó bị các thế lực bảo thủ trong triều cản trở, và nhiều nhà cải cách bị tống giam hay thậm chí bị xử tử. Những thất bại của triều đình trong việc ban hành cách biện pháp cải cách dẫn tới tự do hóa chính trị và hiện đại hóa khiến cho những nhà cải cách quyết định chuyển hướng sang con đường cách mạng.

Có nhiều nhóm cách mạng, nhưng nhóm được tổ chức tốt nhất do Tôn Dật Tiên, một nhà cách mạng theo đường lối cộng hoà và nhà hoạt động chống triều đình Thanh ngày càng phát triển và được biết tới nhiều nhất trong số Hoa kiều và các sinh viên du học, đặc biệt là tại Nhật Bản. Năm 1905 Tôn Dật Tiên cùng Hoàng Hưng, một nhà lãnh đạo nổi tiếng của phong trào cách mạng Trung Quốc tại Nhật Bản, thành lập Đồng Minh hộiTokyo, Hoàng Hưng giữ chức phó tổng lý. Phong trào này hoạt động nhờ vào tiền đóng góp của những người Trung Quốc ở nước ngoài, và cũng được sự trợ giúp chính trị từ phía nhiều thủ lĩnh quân sự địa phương cũng như những nhà cải cách đã phải bỏ chạy khỏi Trung Quốc sau sự kiện Bách nhật duy tân (còn gọi là Mậu Tuất biến pháp). Học thuyết chính trị của Tôn Dật Tiên hình thành từ năm 1897, và lần đầu được công bố tại Tokyo năm 1905, và được sửa đổi thêm nhiều cho tới tận đầu thập kỷ 1920. Học thuyết này tập trung vào Chủ nghĩa Tam Dân: "Dân tộc độc lập; Dân quyền tự do; Dân sinh hạnh phúc". Về cơ bản, nguyên tắc chủ nghĩa Dân tộc kêu gọi lật đổ triều đình Mãn Châu và chấm dứt quyền bá chủ của nước ngoài tại Trung Quốc. Nguyên tắc thứ hai, Dân chủ, được sử dụng để miêu tả mục đích của Tôn Đật Tiên về một cuộc bầu cử nhân dân nhằm dẫn tới một hình thức chính phủ cộng hoà. Nguyên tắc cuối cùng, Dân sinh, thường được coi như chủ nghĩa xã hội, có mục tiêu giúp những người dân bình thường thông qua việc quản lý quyền sở hữu và các phương tiện sản xuất cũng như đất đai.

Những khế ước Tôn Dật Tiên đã dùng để thu tiền cho chính nghĩa cách mạng. Trung Hoa Dân Quốc được dịch sang các thứ tiếng châu Âu là Cộng hoà Trung HoaMột bản lịch kỷ niệm năm đầu tiên thành lập nhà nước Cộng hòa cũng như cuộc bầu cử Tôn Dật Tiên làm Tổng thống lâm thời.

Thời kỳ cộng hòa của Trung Quốc bắt đầu với sự bùng phát của cách mạng vào ngày 10 tháng 10 năm 1911, tại Vũ Xương, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, với thành phần là những đơn vị quân đội đã được hiện đại hóa vốn bất mãn với triều đình nhà Thanh. Đây được gọi là cuộc Khởi nghĩa Vũ Xương và được kỷ niệm tại Đài Loan vào Ngày Song Thập. Trước cuộc khởi nghĩa này đã có nhiều cuộc khởi nghĩa và các phong trào phản kháng có tổ chức nhưng thất bại khác bên trong Trung Quốc. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan ra các thành phố xung quanh, và các thành viên của Đồng Minh hội (một tổ chức tiền thân của Trung Hoa Quốc dân đảng) trên khắp nước ngay lập tức nổi dậy ủng hộ các lực lượng Khởi nghĩa Vũ Xương. Ngày 12 tháng 10, những người khởi nghĩa chiếm được Hán KhẩuHán Dương.

Tuy nhiên, thành công của cuộc cách mạng không kéo dài. Ngày 27 tháng 10, Viên Thế Khải được triều đình nhà Thanh chỉ định làm người chỉ huy đạo Tân quân của ông, gồm cả Lộ quân thứ nhất do Phùng Quốc Chương chỉ huy và Lộ quân thứ hai do Đoàn Kỳ Thụy chỉ huy, nhằm chiếm lại thành phố Vũ Hán, từng bị quân cách mạng chiếm ngày 11 tháng 10. Quân đội cách mạng có khoảng 6.000 người đối đầu với gần 15.000 quân của Viên Thế Khải. Ngày 11 tháng 11, quân cách mạng rút lui khỏi Hán Khẩu tới Hán Dương. Tới ngày 27 tháng 11, Hán Dương cũng mất và quân khởi nghĩa quay về điểm xuất phát, chỉ còn lại Vũ Xương. Tuy nhiên, trong khoảng 15 ngày chiến đấu với quân triều đình, 15 trong số 24 tỉnh đã tuyên bố độc lập khỏi Đại Thanh quốc. Một tháng sau, Tôn Dật Tiên từ Hoa Kỳ quay trở lại Trung Quốc, đem theo số tiền đã quyên góp được từ Hoa Kiều và những người Mỹ có cảm tình với cách mạng. Ngày 1 tháng 1 1912, nhiều đoàn đại biểu từ các tỉnh độc lập bầu Tôn Dật Tiên làm Tổng thống lâm thời đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc.

Vì thời cuộc chuyển biến quá nhanh và sự tuyên bố độc lập của các tỉnh khỏi triều đình nhà Thanh, Viên Thế Khải cảm thấy cần thiết phải đàm phán với những người Cách mạng. Viên Thế Khải đồng ý chấp nhận Trung Hoa Dân Quốc, và vì vậy Tân quân cũng quay sang chống lại nhà Thanh. Chuỗi sự kiện này buộc hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc, Phổ Nghi, phải thoái vị ngày 12 tháng 2 theo sức ép của Viên Thế Khải với Hiếu Định hoàng hậu, người đã ký giấy thoái vị chính thức. Tuy nhiên, Phổ Nghi được phép tiếp tục sống trong Tử Cấm Thành. Trung Hoa Dân Quốc chính thức trở thành chính thể tiếp nối triều đình nhà Thanh.

Giai đoạn đầu của nhà nước Cộng hoà

Ngày 1 tháng 1 năm 1912, Tôn Dật Tiên chính thức tuyên bố thành lập Trung Hoa Dân Quốc và lên làm Tổng thống lâm thời tại Nam Kinh. Nhưng quyền lực ở Bắc Kinh đã rơi vào tay Viên Thế Khải, người đã kiểm soát được toàn bộ Bắc Dương quân, lực lượng quân sự mạnh nhất ở Trung Quốc thời đó. Để ngăn chặn nội chiến và những can thiệp có thể xảy ra từ phía bên ngoài gây phương hại cho nhà nước Cộng hòa non trẻ, Tôn Dật Tiên đồng ý với đề xuất của Viên Thế Khải về việc thống nhất đất nước dưới quyền kiểm soát của một chính phủ do Viên Thế Khải cầm đầu. Ngày 10 tháng 3 tại Bắc Kinh, Viên Thế Khải tuyên thệ nhậm chức trở thành Tổng thống lâm thời thứ hai của Trung Hoa Dân Quốc.

Một áp phích kỷ niệm vị Tổng thống vĩnh viễn của Trung Hoa Dân Quốc Viên Thế Khải và Tổng thống lâm thời của nhà nước Cộng hoà Tôn Dật Tiên.

Nền cộng hòa mà Tôn Dật Tiên và các đồng chí của mình theo đuổi dần hình thành. Dù có nhiều đảng phái chính trị và mọi đảng đều đua tranh nhằm nắm quyền quản lý quốc gia, các nhà cách mạng thiếu một quân đội, và quyền lực của Viên Thế Khải vượt trội so với Quốc hội. Viên Thế Khải sửa đổi hiến pháp với tham vọng trở thành lãnh đạo độc tài. Tháng 8 năm 1912 Quốc Dân Đảng được Tống Giáo Nhân, một trong những đồng chí của Tôn Dật Tiên thành lập. Đây là tập hợp của nhiều đảng nhỏ gồm cả Đồng Minh hội của Tôn Dật Tiên. Trong những cuộc bầu cử toàn quốc được tổ chức vào tháng 2 năm 1913 để bầu ra một quốc hội lưỡng viện mới, các chiến dịch của Tống chống lại bộ máy của Viên Thế Khải với chính đảng ủng hộ ông ta là Đảng Dân chủ, do Lương Khải Siêu lãnh đạo. Tống là một nhà chính trị tài ba và Quốc Dân Đảng nắm đa số ghế tại quốc hội.

Cuộc cách mạng thứ hai

Viên Thế Khải cho ám sát Tống vào tháng 3; ông đã dàn xếp vụ ám sát nhiều vị tướng lĩnh ủng hộ cách mạng. Tình cảm thù địch với Viên Thế Khải ngày càng tăng. Vào tháng 4, Viên Thế Khải vay 25 triệu bảng Anh từ Anh Quốc, Pháp, Nga, Đức và Nhật Bản và không tham khảo ý kiến trước của nghị viện. Khoản tiền này được dùng chi phí cho Bắc Dương Quân của ông ta. Ngày 20 tháng 5, Viên Thế Khải ký một hiệp ước với Nga công nhận quyền ưu tiên đặc biệt của Nga tại Ngoại Mông và hạn chế quyền của Trung Quốc đối với quân đội đồn trú ở đó. Các thành viên Quốc Dân Đảng trong nghị viện buộc tội Viên Thế Khải lạm dụng quyền lực và kêu gọi lật đổ ông ta. Trái lại, Tiến bộ đảng (chữ Hán: 進步黨; bính âm: Jìnbùdǎng), liên minh của đảng Dân Chủ bảo hoàng, gồm những người ủng hộ chế độ quân chủ và Viên Thế Khải buộc tội Quốc Dân đảng đang kích động một cuộc nổi dậy. Sau đó Viên Thế Khải quyết định sử dụng hành động quân sự để chống lại Quốc Dân đảng.

Trong tháng 7 năm 1913 bảy tỉnh phía nam nổi lên chống lại Viên Thế Khải, dẫn tới Cuộc cách mạng thứ hai (chữ Hán: 二次革命; bính âm: Èrcì Gémìng, Hán-Việt:Nhị thứ cách mệnh). Có nhiều lý do phía dưới dẫn tới Cuộc cách mạng thứ hai bên cạnh sự lạm quyền của Viên Thế Khải. Đầu tiên, nhiều đội quân cách mạng từ các tỉnh khác nhau đã giải giáp sau khi Trung Hoa Dân Quốc được thành lập, và nhiều sĩ quan cũng như binh sĩ cảm thấy rằng họ không được tưởng thưởng xứng đáng cho công lao trong việc lật đổ nhà Thanh. Vì thế nảy sinh nhiều tình cảm bất mãn đối với chính phủ mới bên trong quân đội. Thứ hai, nhiều nhà cách mạng thấy rằng Viên Thế KhảiLê Nguyên Hồng không xứng đáng giữ chức Tổng thống và Phó tổng thống bởi vì họ đoạt được nó thông qua các cuộc vận động chính trị chứ không phải vì công lao tham gia vào phong trào cách mạng. Và cuối cùng, việc Viên Thế Khải sử dụng bạo lực (như việc ám sát Tống),thủ tiêu hy vọng của Quốc Dân Đảng về những cải cách và các mục tiêu chính trị thông qua các biện pháp bầu cử.

Tuy nhiên, Cuộc cách mạng thứ hai không mang lại lợi ích cho Quốc Dân Đảng. Lãnh đạo lực lượng quân sự của Quốc Dân Đảng ở Giang Tây bị quân của Viên Thế Khải đánh bại ngày 1 tháng 8 và Nam Xương bị chiếm đóng. Ngày 1 tháng 9, Nam Kinh thất thủ. Khi cuộc nổi dậy bị đàn áp, Tôn và những người lãnh đạo khác của cuộc cách mạng phải bỏ chạy sang Nhật Bản. Tháng 10 năm 1913 một nghị viện bù nhìn bầu Viên Thế Khải làm Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc, và trao nhiều quyền lực to lớn cho chính phủ của ông ta. Đoàn Kỳ Thụy và các vị tướng lĩnh được tin cậy khác trong Bắc Dương Quân được trao các chức vụ chủ chốt trong nội các. Để có được sự thừa nhận từ bên ngoài, Viên Thế Khải phải chấp nhận cho Ngoại MôngTây Tạng được tự trị. Trung Quốc vẫn là một nước bị bảo hộ, nhưng họ phải cho phép Nga tự do hoạt động ở vùng Ngoại Mông và Tanna TuvaAnh Quốc tiếp tục giữ ảnh hưởng tại Tây Tạng.

Viên Thế Khải và cuộc chiến tranh giữ nước

Viên Thế Khải

Tháng 11, Viên Thế Khải, vị tổng thống hợp pháp ra lệnh cho Quốc Dân Đảng tự giải tán và buộc mọi thành viên của đảng này rời khỏi nghị viện. Vì đa số thành viên nghị viện là đảng viên Quốc Dân Đảng, nghị viện không có đủ số đại biểu cần thiết và vì thế không thể được triệu tập. Tháng 1 năm 1914 Viên Thế Khải chính thức đình chỉ nghị viện. Tháng 2 ông kêu gọi triệu tập một cuộc hội nghị nhằm sửa đổi Hiến pháp lâm thời của Trung Hoa Dân Quốc. Hiến pháp sửa đổi trao nhiều quyền lực to lớn cho Viên Thế Khải, cho phép ông tuyên chiến, ký kết các hiệp ước, và chỉ định các chức vụ mà không cần sự đồng thuận từ phía lập pháp. Tháng 12 năm 1914, ông tiếp tục sửa đổi luật pháp, kéo dài nhiệm kỳ tổng thống thành mười năm với số lượng nhiệm kỳ không hạn chế. Đặc biệt, Viên Thế Khải còn chuẩn bị để lên ngôi hoàng đế.

Mặt khác, từ sau thất bại của Cuộc cách mạng thứ hai, Tôn Dật Tiên và các đồng minh của mình tìm cách xây dựng lại phong trào cách mạng. Vào tháng 7 năm 1914, Tôn Dật Tiên Thành lập Trung Hoa Cách mạng Đảng (chữ Hán: 中華革命黨; bính âm: Zhōnghúa Gémìngdǎng). Tôn Dật Tiên cho rằng những thất bại của ông trong việc xây dựng một phong trào cách mạng kiên định có nguyên nhân từ sự thiếu vắng tính đoàn kết giữa các thành viên. Vì vậy, ở đảng mới của mình, Tôn Dật Tiên yêu cầu các thành viên phải tuyệt đối trung thành với ông cũng như tuân thủ một loạt các quy định ngặt nghèo khác. Một số cộng sự của Tôn Dật Tiên trước kia, gồm cả Hoàng Hưng, không đồng tình với ý tưởng về một tổ chức độc tài như vậy và từ chối gia nhập. Tuy nhiên, họ đồng ý rằng không thể để nhà nước cộng hòa quay lại thời cai trị phong kiến.

Bên cạnh các nhóm cách mạng liên kết với Tôn Dật Tiên, còn có nhiều nhóm khác với mục đích lật đổ Viên Thế Khải. Một trong số đó là Đảng Tiến bộ, đảng ủng hộ chế độ quân chủ lập hiến đã chống đối Quốc Dân Đảng trong thời kỳ Cuộc cách mạng thứ hai. Đảng Tiến bộ có được vị trí chính trị phần lớn nhờ hành động phá hoại nghị viện quốc gia của Viên Thế Khải. Ngoài ra, nhiều quan chức cầm đầu các địa phương, từng tuyên bố độc lập khỏi nhà Thanh năm 1912, cho rằng việc ủng hộ thành lập một triều đình phong kiến khác là hành vi hoàn toàn lố bịch. Viên Thế Khải cũng khiến cho các tướng lĩnh Bắc Dương Quân xa lánh ông bằng cách tập trung hóa việc thu thuế từ phía các cơ quan địa phương. Hơn nữa, dư luận chung của người dân đều là chống đối lại Viên Thế Khải.

Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng phát năm 1914, Nhật Bản đứng về phía Đồng Minh và chiếm các cơ sở của Đức tại tỉnh Sơn Đông. Năm 1915, người Nhật đưa ra trước chính phủ Bắc Kinh cái gọi là Hai mươi mốt yêu cầu. Các yêu cầu đó có chủ ý thiết lập quyền kiểm soát kinh tế của Nhật Bản trên các hoạt động giao thông đường sắt và khai thác mỏ ở Sơn Đông, Mãn Châu, Phúc Kiến, và buộc Viên Thế Khải phải chỉ định các cố vấn người Nhật vào các vị trí quan trọng trong chính phủ Trung Quốc. Hai mốt yêu cầu này, nếu được chấp nhận, sẽ biến Trung Quốc trở thành một nước bảo hộ của Nhật Bản. Chính phủ Bắc Kinh từ chối một số yêu cầu đó nhưng lùi bước trước sức ép của người Nhật cho phép Nhật giữ lãnh thổ Sơn Đông làm sở hữu của họ. Bắc Kinh cũng công nhận cho Tokyo quyền đối với toàn bộ vùng Mãn Châu và phía đông Nội Mông. Việc Viên Thế Khải chấp nhận những yêu cầu đó khiến dân chúng rất bất mãn, nhưng ông vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng một chế độ quân chủ cho riêng mình.

Ngày 12 tháng 12 năm 1915, Viên Thế Khải, được con trai là Viên Khắc Định ủng hộ, tuyên bố thành lập một Đế quốc Trung Hoa mới. Hành động này gây chấn động trên toàn quốc, khởi nghĩa xảy ra ở nhiều tỉnh. Ngày 25 tháng 12, cựu Tổng đốc Vân Nam Sái Ngạc, cựu Tổng đốc Giang Tây Lý Liệt Quân (chữ Hán: 李烈鈞; bính âm: Lǐ Lièjūn), và đô đốc Vân Nam Đường Kế Nghiêu thành lập Hộ quốc quân (chữ Hán: 護國軍; bính âm: Hùgúojūn) và tuyên bố Vân Nam độc lập. Hành động này đã mở đầu cho cuộc Hộ quốc Chiến tranh (chữ Hán: 護國戰爭; bính âm: Hùgúo Zhànzhēng). Sự độc lập của Vân Nam cũng khuyến khích các tỉnh khác phía nam tuyên bố độc lập. Các tướng lĩnh bên trong Bắc Dương Quân của Viên Thế Khải, vốn đã cảnh giác với việc lên ngôi hoàng đế của ông, không thực thi các chiến dịch chống lại Hộ quốc quân. Ngày 22 tháng 3 1916, Viên thoái vị và trở thành vị hoàng đế đầu tiên cũng như cuối cùng của triều đại do chính ông lập lên. Viên chết ngày 6 tháng 6 năm ấy. Phó Tổng thống Lê Nguyên Hồng nắm quyền và chỉ định viên tướng trong Bắc Dương Quân là Đoàn Kỳ Thụy làm Thủ tướng. Những tham vọng về một đế chế cuối cùng đã kết thúc và đất nước lại quay trở lại với chế độ cộng hòa.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lịch_sử_Trung_Hoa_Dân_Quốc http://www.amazon.com/Chiang-Kai-Shek-Chinas-Gener... http://www.amazon.com/Chinas-Bitter-Victory-Japan-... http://www.amazon.com/Nationalist-Era-China-1927-1... http://books.google.com/books?id=HahaLeQph6EC&dq=i... http://books.google.com/books?id=r3AJFusMHJwC&dq=+... http://books.google.com/books?id=r3AJFusMHJwC&pg=P... http://www.questia.com/library/book/chinas-bitter-... http://www.wsu.edu/~dee/MODCHINA/MODCHINA.HTM http://content.cdlib.org/ark:/13030/ft829008m5/?&q... http://www.jstor.org/stable/178784